Searching...
Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Hỏi: Thương nhân là gì ? Giám đốc một công ty có được gọi là thương nhân không ạ ?

Anh chị cho em hỏi thương nhân là gì ạ ? Ví dụ như em là giám đốc một công ty thì thế nào mới được gọi là thương nhân không ?

Chúng tôi xin được trả lời như sau

Thương nhân
  1. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh;
  2.  Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm;
  3.  Quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân được Nhà nước bảo hộ;
  4.  Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước.
Chính vì phải ‘đăng ký kinh doanh”, nên về nguyên tắc, thương nhân không thể kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật cấm. Chẳng hạn, một doanh nghiệp mua bán chất ma túy chắc chắn là vi phạm pháp luật và cũng không có cơ quan nào cấp giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực mua bán chất ma túy.
Pháp luật Việt Nam qui định mọi thương nhân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại, không phân biệt thành phần kinh tế. Tuy nhiên, “lý thuyết” là vậy, chứ trên thực tế thương nhân (doanh nghiệp) Nhà nước ( dù tại thời điểm này không còn nhiều) vẫn thường được “ưu ái” và có những “đặc quyền đặc lợi” hơn các doanh nghiệp tư nhân nhiều.
Với nguyên tắc “bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng”, luật Thương mại qui định trong quá trình thực hiện hoạt động thương mại, thương nhân có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực cho người tiêu dùng về hàng hoá và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó. Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh.
Liên quan đến khái niệm thương nhân, chúng ta cũng nên biết khái niệm “thương nhân nước ngoài” và “thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam”.
Theo đó, thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận.
Còn thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là thương nhân nước ngoài có Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam.
Lưu ý là : nếu thương nhân nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam thì doanh nghiệp này vẫn được xem là thương nhân Việt Nam chứ không phải là thương nhân nước ngoài.
Ví dụ : Công ty Cocacola là một doanh nghiệp của Mỹ. Nếu Cocacola mở Văn phòng đại diện hay Chi nhánh tại Việt Nam thì Văn phòng đại diện hoặc Chi nhánh này là “thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam”. Nhưng nếu Cocacola thành lập một công ty con tại Việt Nam (trên thực tế Cocacola đã thành lập Công ty Cocacola Việt Nam tại TP.HCM). Trong trường hợp này, Cocacola Việt Nam là “thương nhân” Việt Nam chứ không phải là “thương nhân nước ngoài” hay “thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt nam”.
Để cho dễ hiểu và tóm gọn, chúng ta chỉ cần nhớ rằng : một “thương nhân” chính là một công ty và ngược lại – một công ty chính là một thương nhân.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét